Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Một chút về Khám lớn Sài gòn

Góc đường Lý Tự Trọng và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có một tòa nhà mang lối kiến trúc phương Tây, đó là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia khu vực 2. Hơn 60 năm trước, khu đất này là nhà tù của thực dân Pháp có tên Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon).

Khám Lớn Sài Gòn được xây dựng trên khu đất của chợ Cây Đa Còm và xung quanh có 4 con đường là Lagran Diere (đường Lý Tự Trọng); Mac Mahon (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa); đường Espagne (đường Lê Thánh Tôn) và đường Filippini (đường Nguyễn Trung Trực). Từ Khám Lớn Sài Gòn đi sang Tòa án Sài Gòn không đầy trăm mét và dưới thời Pháp, hai nơi này cùng với Dinh Thống đốc Nam Kỳ tạo thành một “tam giác quỷ”.

Vào ngày 8/3/1953, sau khi Khám Chí Hòa đã xây dựng hoàn chỉnh thì Bảo Đại cho phá Khám Lớn Sài Gòn và xây Trường đại học Văn khoa.

Khám Lớn Sài Gòn xây từ năm 1886 và sau hơn 4 năm thì xong. Khởi đầu, khám dài hơn 30 mét và rộng 15 mét, có lối đi hẹp ở giữa. Hai bên là hai gian nhà giam, có hai bệ xi măng được tráng một thứ nhựa giống như nhựa đường màu đen, trên cùng trổ một cửa sổ nhỏ, nhỏ đến mức không đủ cho ánh sáng mặt trời lọt vào.

Vào những năm đầu thập niên 30, thực dân Pháp cho xây thêm nhiều buồng giam và phân chia thành nhiều khu vực để giam cầm nhiều loại tù nhân khác nhau. Khám Lớn Sài Gòn là nhà giam lớn nhất Việt nam thời bấy giờ. Trong khám có khu biệt giam tù chính trị, có nơi giam người bị kết án tử hình, gọi là “xà lim án chém”; có phòng để máy chém. Máy chém của Khám Lớn Sài Gòn được đưa từ Pháp sang. Máy chém cao 4,5 mét, có lưỡi dao vát cạnh nặng 50kg. Rạng sáng ngày 21/11/1931, thực dân Pháp đã dùng máy chém này xử tử Lý Tự Trọng.