Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2008

MỘT SỐ HIỂU BIẾT SƠ ĐẲNG VỀ KHÍ CÔNG

III. THỞ KHÍ CÔNG (ĐIỀU TỨC CÔNG)


Bình thường chúng ta quan niệm rằng, sự thở chỉ có hai thì là hít vào và thở ra bằng hai lá phổi. Với khí công, sự thở có một số điểm cần chú ý sau:
1) Hô hấp không chỉ đơn thuần xảy ra ở phổi. Ý nghĩa chính của của quá trình hô hấp bằng phổi chỉ là đưa dưỡng khí vào ở thì hít vào, còn ở thì thở ra là đẩy thán khí ở phổi ra. Với thở khí công, còn xảy ra quá trình đẩy thực khí trong dạ dày ra, thực khí này do thức ăn lên men mà tạo thành.
2) Nhiệt năng trong cơ thể phát sinh từ trái tim ( Tâm Hỏa Cung ), nhiệt năng này cần giáng hạ xuống Đan điền (vùng bụng dưới) để chưng cất tinh khí. Chính việc hít sâu xuống bụng dưới là để thực hiện quá trình Hạ tâm hỏa này.
3) Sự thở khí công được thực hiện qua 4 thì: Hít vào - Nén lại - Thở ra - Ngưng thở. Sự thở này bảo đảm cho hiệu suất hô hấp cao hơn, nhịp thở chậm hơn nên nhịp sinh học giảm xuống do vậy mà kéo dài được tuổi thọ. Ngoài ra, sự thở 4 thì còn đảm bảo cho chu trình khí hóa trong cơ thể, đó là: Hít vào - thu giáng khí; Nén lại - tụ khí ở Đan điền; Thở ra - dẫn khí; Ngưng thở - bình, xả khí.
4) Trong thở khí công khí chỉ đi qua đường mũi, miệng ngậm, đầu lưỡi đặt lên hàm trên. Cách thực hiện như vậy có tác dụng như sau:
- Miệng ngậm, đầu lưỡi đặt lên hàm trên để thông mạch Nhâm - Đốc.
- Thở bằng mũi để thực khí (hô khí) không làm nghịch mạch Nhâm, đồng thời lọc lại chân nhiệt cho cơ thể.
- Miệng ngậm để hãm nhịp hô hấp, để giúp thở sâu, đều và chậm.
5) Thở khí công là hít thật sâu xuống bụng dưới, hít hết cỡ rồi nén lại ở đó. Khi nén đủ rồi cố một chút, rồi thở ra bằng mũi. Khi thở ra hết rồi thì ngưng thở một ít rồi hô hấp trở lại. Điều cốt yếu là làm sao sâu, chậm, đều, các "thì" càng cân bằng càng tốt và chỉ nên cố gắng kéo dài mỗi ngày một chút. Cần chú ý "thì" nén ngưng.
Dưới đây là các bước luyện Điều tức công. Người luyện cần tập đúng từng bước như hướng dẫn trong bài thì rất mau đạt tới kết quả tốt.
BƯỚC 1 : THỞ 2 THÌ
- Ý nghĩa: Luyện thở Sâu - Đều - Chậm. Thanh lọc nhiệt, độc trong hệ Phế, Vị. Đưa khí thường và chân nhiệt xuống được tới Đan điền.
- Thực hiện: Người ngồi ở tư thế thư giãn, bế ngũ quan (mắt nhắm, tai không nghe, miệng ngậm), điều hòa hô hấp, tập trung theo đường thở. Từ từ hít sâu xuống bụng dưới (Đan điền), sau đó từ từ thở ra bằng miệng.
- Lưu ý: Có thể thực hiện bất kỳ lúc nào. Mỗi lần tập ít nhất 10 lượt thở. Khi hít vào cố hơn khả năng bình thường một chút ( không cố gắng quá ). Khi thở ra từ từ chậm lại một chút và dần kéo dài thời gian thở thêm. Thời gian đầu nâng cơ ngực, phình cơ bụng để tăng lượng khí vào. Sau đó nên để bình thường. Cuối cùng là ép thành cơ bụng để tụ khí, nhiệt vào Đan điền.
+ Các chứng bệnh Tâm, Phế thì chú trọng hít vào nhiều hơn.
+ Các chứng bệnh Tì, Can, Thận thì chú trọng thở ra nhiều hơn.
Trong khi tập thở có thể kết hợp với các động tác thể dục sau: Khi đưa tay lên thì thở ra, khi đưa tay xuống thì hít vào, khi đưa tay vào thì hít vào, khi đưa tay ra thì thở ra.
+ Khi thở đã tương đối nhuần thì lúc hít vào quán tưởng theo mạch Nhâm ( đường chính giữa chạy từ đỉnh đầu xuống mặt, ngực, bụng ) theo chiều từ trên xuống. Khi thở ra quán tưởng theo mạch Đốc ( đừơng chính giữa cột sống ) theo chiều từ dưới lên.
BƯỚC 2 : THỞ 3 THÌ
- Ý nghĩa: Nâng cao hiệu suất của sự thở, nén nhiệt tại Đan điền đề đốt tinh thành khí, vận hành chân khí trong mạch Nhâm - Đốc. ( ở dạng vô thức ).
- Thực hiện: Người ngồi ở tư thế thư giãn, bế ngũ quan, điều hòa hô hấp, ổn định nhịp tim, tập trung ý nghĩ tư tưởng theo đường thở. Từ từ hít thẳng xuống bụng dứơi, sau đó ngưng thở, nén khí tại bụng dứơi, cuối cùng từ từ thở ra bằng mũi, điều hòa trở lại sự hô hấp.
- Lưu ý: có thể tập bất cứ lúc nào, mỗi lần tập ít nhất 10 lượt. Khi hít vào đến bụng nên nén thành bụng lại để nén khí tại Đan điền. Khi trong bụng có thực nhiệt thì thở ra bằng miệng hoặc bằng mũi.
Để tự chữa bệnh, tỷ lệ thời gian của các thì thở như sau:
- Khi bị bệnh Tâm (tim), Phế (phổi) - Hít vào lâu hơn.
- Khi bị bệnh Tỳ (lá lách), Vị (dạ dày) - Nén lại lâu hơn.
- Khi bị bệnh Can (gan), Thận - Thở ra lâu hơn.
Khi thở đã tương đối nhuần nhuyễn thì luyện thêm: Khi hít vào quán tưởng theo mạch nhâm từ trên xuống. Khi nén lại tập trung ý tại Đan điền. Khi thở ra quán tưởng theo mạch Đốc đi từ dưới lên.
BƯỚC 3 : THỞ 4 THÌ
- Ý nghĩa: Nâng cao hiệu suất của sự thở, kích thích Đan điền, phối hợp đồng bộ khí thở với Chân khí trong mạch Nhâm - Đốc ( dạng vô thức ).
- Thực hiện: Ngồi ở tư thế thư giãn, bế ngũ quan, điều hòa hô hấp, ổn định nhịp tim, tập trung theo đường thở. Từ từ hít thẳng xuống bụng dứơi, sau đó ngưng thở, nén lại ở bụng dưới (Đan điền). Sau đó từ từ thở ra bằng mũi. Cuối cùng, khi thở hết ra thì ngưng thở một lúc. Tiếp theo, điều hòa hô hấp trở lại.
- Lưu ý : Ở thì hít vào cần hít làm 2 lần, lần đầu hít vào ít, lần 2 hít vào nhiều hơn để tránh biến loạn khí. Khi hít lần đầu tập trung ý vào Tim (hỏa cung), lần 2 quán tưởng khí đi theo mạch Nhâm xuống Đan điền. Thở ra quán tưởng theo mạch Đốc từ dưới lên. Khi ngưng thở, quán tưởng ý ở Ấn đường (giữa trán).
Để tự chữa bệnh, tỉ lệ thời gian của các thì thở như sau:
- Bênh Tâm, Phế : Tăng thời gian lần hít 1, giảm thời gian nén.
- Bệnh Tỳ : Tăng thời gian nén, giảm lần hít 1 và thở ra.
- Bệnh Can, Thận : Tăng thời gian thở ra, giảm lần hít 1 và nén.
Khi đã luyện thành thục và có sức khỏe tốt, thời gian của 4 thì bằng nhau, càng thuần thục càng kéo dài thời gian của các thì ra và vẫn giữ đều thời gian 4 thì thở.

Trên đây tôi đã ghi lại một số kiến thức cơ bản và sơ đẳng của khí công dưỡng sinh. Trong này có bài tập thở rất quan trọng và rất có ích. Bản thân tôi đã từng bị cắt mất một thùy phổi phải, nhưng nhờ có tập thở và luyện khí công, tôi vẫn có thể tham gia tập luyện thể thao thường xuyên.
Chúc các bạn sức khỏe.

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2008

ĐÁNH HỤT!

              Nhân dịp 40 năm quân ngũ,bài viết của HXN - ký ức về những ngày đầu làm người lính.-(Hình chỉ có tính minh họa) AMK3

(Nhân 1/8/1968-1/8/2008)
Trỗi khóa III (cả nam lẫn nữ), sau ngày nhập ngũ ( 1/8/1968) cùng hơn ba tháng rèn luyện tân binh tại Trường Quân chính Quân khu Tả Ngạn, đều viết đơn tình nguyện đi chiến trường và nhận bất cứ nhiệm vụ gì được phân công. Tuy vậy, tất cả được nghỉ phép về tết sau hai năm không ăn tết với gia đình (tết năm 1967/1968 ở Quế Lâm). Hết phép vào tháng 1/1969, cùng với khoảng hơn hai mươi bạn, tôi được điều về Sư đoàn phòng không 363 (F363) đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng Đông Bắc mà trọng điểm là Hải Phòng-Hòn Gai và đường 5 (Hà Nội-Hải Phòng). Sau vài ngày học về truyền thống và các bài học khác tại Sở chỉ huy F đóng ở ven Hải Phòng , hơn mười đứa chúng tôi về trung đoàn (E) đang đảm nhiệm bảo vệ trục đường 5, số còn lại về trung đoàn khác. Thêm vài ngày học ở cấp trung đoàn, là thời gian cả bọn được cùng nhau tiêu những đồng tiền cuối cùng tại các hàng nước chè chén rất hiếm hoi lúc bấy giờ ở gần Ga (tàu hỏa) Tiền Trung nằm cách sở chỉ huy E khỏang (3-4)km. Ngày làm lính thực thụ đến, Bế Minh Ngọc-Phạm Quốc Bửu và tôi được phân công về Đại đội pháo (C) cao xạ 57mm có nhiệm vụ bảo vệ hai cầu Phú Luơng và Lai Vu. Ba thằng đi nhận nhiệm vụ. Lúc này cả C (pháo và khí tài) đang nằm trải dài cả trên mặt đê phía Hải Phòng ngay bên chân cầu Lai Vu và mọi nòng pháo đều chĩa về khoảng trời trên hai cây cầu và thị xã Hải Dương, lán trại để ở nằm dưới chân đê. Phía sau đơn vị, cách chân đê gần 1 km là nghĩa trang liệt sỹ thời chống Pháp. Quả là một biểu hiện của lòng quyết tử vì theo lý thuyết thì pháo và khí tài phải có ụ (đất hoặc vật liệu nào đấy) bao quanh để bảo vệ. Dù mỗi thằng về một khẩu đội nhưng cả ba đều được làm pháo thủ (đứng, ngồi) trên mâm pháo chứ không phải làm chân 'lon ton' đi khuân đạn ở dưới đất hoặc làm anh nuôi . Tôi là thằng trông "đô" con nhất nên được chỉ định làm pháo thủ số 5, còn Bế Ngọc số 3 và Quốc Bửu số 4. Bắt đầu những ngày đêm rèn luyện kỹ năng pháo thủ (khi không có báo động), căng thẳng chờ địch (khi có báo động) và ngồi chầu mấy tiếng liền trên mâm pháo (khi làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu). Ngày qua ngày, nắng và mưa, cũng có cả đói và rét ; sự hào hứng buổi ban đầu nhạt dần vì mọi cái cứ lặp đi lặp lại , trận đánh thật đầu tiên thì chưa bắt đầu mà lại phải bắt đầu rèn luyện tính lỳ của lính.
Rồi một buổi giữa trưa : Báo động ! Vào cấp một ! Máy bay địch đang bay thẳng vào từ hướng cửa sông Thái Bình ! Góc tà..., phương vị...., cự ly! Nạp đạn! ... Cả trận địa căng lên vì đạn đã nạp vào nòng và cự ly ngày một gần.
Tôi hồi hộp thật sự ,vì những lần báo động trước máy bay địch thường bay ven biển trong không phận do F quản lý hoặc bay theo hướng vào nhưng sau đó chuyển hướng bay ra nên chưa lần nào phải vào cấp một và nạp đạn (nhiệm vụ của số 5). Lần nay chắc đánh thật rồi !
Khẩu lệnh vẫn phát ra liên tục từ Đại đội trưởng và được nhắc lại bởi tất cả các khẩu đội trưởng. Mọi nòng pháo đều hướng về phía cửa sông Thái Bình và quay dần về hướng các mục tiêu cần bảo vệ. Lúc này, tôi chỉ còn nhớ đến việc của mình là tay phải cầm chắc cần gạt khóa nòng, tay trái đẩy mạnh hai băng đạn 08 viên, mắt nhìn cắm vào băng dẫn đạn để khi phát hoả lúc thấy viên thứ nhất của băng hai đã vào nòng thì phải quay ngay người lấy băng ba đẩy ngay lên băng dẫn và cứ như vậy...(Số 5 là thế! Vì nếu không nạp đạn liên tục thì khóa nòng sẽ tự đóng và thao tác mở lại khóa nòng là điều không được phép xảy ra trong chiến đấu). Tai tôi nghe thấy đã đến gần cự ly bắn ! Rồi nghe đến cự ly bắn ! Rồi không nghe thấy lệnh bắn (!?) Rồi nghe thấy cự ly xa dần (?). Tôi ngửng nhìn lên thì thấy nòng pháo đã quay về hướng huyện Nam Sách, ngược với hướng bay vào, có nghĩa là máy bay địch đã bay qua trận địa và bay về hướng Hòn Gai. Phút căng thẳng qua đi, toàn C nhận lệnh chuyển cấp và được thông báo chính thức mục tiêu là máy bay do thám không người lái (bay ở độ cao mà pháo 57mm không bắn tới được). Lính cũ được dịp hỏi trêu ba thằng lính mới có sợ phát "tè" (?), còn ba thằng thì thẳng thắn thừa nhận là có hồi hộp thật nhưng chỉ sau khi pháo lớn bị hụt, chuyển cấp xong, ba khẩu "pháo con " hãy còn "jin" mới phát hỏa đàng hoàng ở đúng nơi quy định ngay dưới chân đê.
Vài ngày sau, đại đội chúng tôi chuyển sang đóng ở cánh đồng thuộc làng Nhị Châu (nằm bên phải cầu Phú Lương, tính theo hướng Hà Nội - Hải Phòng), lúc này thì đàng hoàng hơn vì pháo và khí tài đã có ụ đất bảo vệ . Và rồi có tiếp những lần báo động khác nhưng đều ở cấp thấp hơn nên cái cảm giác bị đánh trận hụt không lặp lại, thế rồi cả ba chúng tôi chưa được qua một trận đánh thật nào trong tư cách vinh dự là lính phòng không của một sư đoàn phòng không anh hùng. Vì một lẽ : cuối tháng 4/1969 tất cả Trỗi khóa III, ở mọi đơn vị, được gọi về tập trung để nhận nhiệm vụ mới là đi học.

HỒ XUÂN NAM

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

MỘT SỐ HIỂU BIẾT SƠ ĐẲNG VỀ KHÍ CÔNG

II.KHÍ CÔNG LÀ GÌ

Hiện nay chúng ta đã quen thuộc với các thuật ngữ Khí công và Các phương pháp khí công khác nhau. Tuy nhiên, để hiểu đúng đắn khí công là gì thì hoàn toàn không đơn giản.
Vậy khí công là gi?
Khí công là phương pháp luyện tập để làm chủ khí trong cơ thể. Tức là luyện làm chủ quá trình phát sinh, vận hành và biến đổi khí thành một dạng tinh vi hữu ích hơn ( biến vi hoạt dụng khí ). Việc đó được diễn ra theo một trình tự hợp lý, thuận tự nhiên, thông qua đó mà phục hồi, ổn định và nâng khả năng hoạt động của các cơ quan và hệ thống tâm sinh lý trong cơ thể, để có thể tự chữa bệnh, dưỡng sinh và nâng cao khả năng tồn tại của con người. Nói tóm lại, khí công là một hệ thống các bài luyện để làm chủ khí trong cơ thể.
Khí trong cơ thể là gì?
Khí trong cơ thể không thuần túy là khí của sự hô hấp mà còn là một dạng vật chất vi tế, tức là vô cùng nhỏ bé và tinh tế, hoạt động trong nội tạng và kinh mạch của cơ thể người. Theo vật lý hiện đại, khí có thể chia làm hai loại:
- Dạng hơi, còn gọi là khí hậu thiên, đây chính là khí hô hấp.
- Dạng thứ hai là bức xạ vật chất, còn gọi là khí tiên thiên, đây chính là chân khí hay nguyên khí trong con người.
Trong con người chúng ta quý nhất là Tam bảo (Tinh - Khí - Thần). Quá trình luyện khí là " Luyện tinh sinh khí, luyện khí hóa thần". Như vậy, cơ sở của khí là tinh - dạng vật chất đồn trú tại tuyến thượng thận.
Vậy tinh làm sao mà sinh được thành khí ?
Tinh sinh ra do quá trình sinh học mà các nhà khí công gọi là : hạ tâm hỏa, góp tốn phong. Nhờ hơi thở đưa hỏa từ tim xuống để đốt tinh thành khí. Tâm hỏa là nhiệt tâm hỏa, nhờ hô hấp (tốn phong) đưa xuống Đan điền (vùng bụng dưới) để đốt (kích chủng) tinh thành khí. Khí mới này được sinh ra từ Đan điền được vận hành theo mạch Nhâm ( âm giáng xuống) và mạch Đốc ( dương thăng lên) để trở thành Chân khí.
Chân khí đi vào ngũ tạng để phát sinh ra Ngũ khí, bao gồm: Tâm (tim) - Hỏa khí; Can (gan) - Phong khí; Tì ( lá lách) - Thấp khí; Phế (phổi) - Táo khí; Thận - Hàn khí, để tham gia vào các quá trình cơ bản của sự sống trong cơ thể. Chân khí và Ngũ khí phát sinh, vận hành theo hệ kinh lạc và nội tạng, thoát ra ngoài qua da, lông thông qua các huyệt đạo để thực hiện các cơ năng và chức năng của khí.
Vậy chức năng của khí trong cơ thể là gì?
Trong Tam bảo: Tinh - Khí - Thần, thì "Khí" chính là "Cơ sở vật chất" (có thật) của "Thần". Thần là thần thái tri giác ở con người, được tạo ra nhờ khí đã biến hóa thành vô cùng nhỏ bé (biến vi) xâm nhập trong tủy sống, não bộ và hệ thần kinh. Nếu Huyết (máu) là vật chất nuôi dưỡng cơ thể thì "Khí" chính là năng lượng của cơ thể.
Khí được chia thành hai cấp độ là : Năng lượng vật chất (ở dạng khí) và năng lượng thông tin (ở dạng thần). Ngoài ra còn có một cấp độ trung gian trong quá trình chuyển hóa từ năng lượng "vật chất" sang "thông tin" mà thường được gọi là dạng "thực" và "thanh" của khí. Khí còn có chức năng hóa dịch, phục vụ cho các hoạt động sinh học của cơ thể.
Sự gắn bó về khí giữa con người và không gian xung quanh: Lớp khí quyển chúng ta đang thở là sự giao hòa giữa "Hậu thiên khí" (dạng hơi) của Trời và Đất tạo thành môi trường khí hậu, thời tiết. Còn khí "Tiên thiên"(bức xạ vật chất) bao bọc quanh con người lại chia ra thành "Bức xạ không gian" (bầu trời) và "Bức xạ Trái đất". Các bức xạ này tương tác mật thiết với "Tiên thiên Chân khí"trong con người . Ngoài ra bao quanh mỗi ngừơi còn có một quả cầu khí do chính con người phát ra được gọi là "Hào quang của con người"
Nội khí trong con người do khiếm khuyết bẩm sinh, do hoàn cảnh sống và do cách sống của mình mà luôn ở dạng suy loạn, nghịch ( suy yếu, vận hành lộn xộn, thậm chí chạy ngược đường), từ đó dẫn đến bệnh tật và chết trước sự kết thúc tự nhiên. Do đó con người phải có một cách sống, một cách suy nghĩ đúng đắn thì mới phục hồi và ổn định được nội khí. Bằng phương pháp luyện khí công, chúng ta thu được ngoại khí rồi biến thành nội khí từ đó chúng ta có khả năng tự dưỡng sinh chữa bệnh và khai mở khả năng kỳ diệu của chính bản thân mình còn tiềm ẩn lâu nay.
Như trên đã nói, quá trình luyện khí phải đi theo sự tuần tự: Nhập - Khai - Thu - Tụ - Hành - Xả - Phát.
Nhập là phân bố nền hào quang khí xung quanh xung quanh để từ đó phân bố lại nội khí và hòa nhập vào không gian ngoại khí bên ngoài.
Khai là khai mở, tức là vận hành các vị trí đặc biệt có khả năng hoạt động khí cao ( tức là các điểm có thể thu ngoại khí và phát nội khí tốt nhất )
Thu là nhờ hô hấp thu ngoại khí cố hạ chân hỏa xuống Đan điền.
Tụ là cố thu ngoại khí trợ chân hỏa để kích thích chưng tinh thành khí ở Đan điền ( ngoại khí có thu vào được mà không tụ lại ở Đan điền để biến thành chân khí thì không có ý nghĩa ).
Hành là vận hành khí đã sinh ra đi theo các con đường (kinh mạch) mà dẫn tới các khu vực cần thanh hóa, phục hồi để đẩy các hư khí bệnh lý ra ngoài.
Xả là xả các hư khí trong cơ thể ra ngoài.
Phát là trạng thái phát khí thực hành công phu khí công ( chữa bệnh cho người khác ). Tức là thu ngoại khí vào, biến sinh thành chân khí rồi phát ra ngoài bởi các môn công phu khí công là "Chỉ công" ( thu phát khí qua đầu ngón tay ), "Chưởng công" ( thu phát khí từ lòng bàn tay ), "Miêu công" ( thu phát khí từ ấn đường và nhãn thần ) và "Thần công" ( thu phát khí từ Bách hội ).
Quá trình luyện khí công là quá trình làm chủ khí, mà bắt đầu bằng sự "Khí cảm" (tức là cảm giác khí). Cảm giác này được thể hiện bằng bốn hiệu ứng khí là "Nhiệt"- cảm giác nóng, lạnh; "Áp suất" - cảm giác căng, tức, nặng, nhẹ; "Lan truyền" - cảm giác tê, chạy như điện; "Nhu động" - cảm giác có sự chuyển động bên trong nội tạng, cấu trúc các cơ quan, tế bào. Thoạt đầu là cảm giác khí ở đâu đó, sau đó là các đường kinh mạch hệ thống theo đường vận, cuối cùng là làm chủ hòan toàn trong quá trình khí hóa : Nhập - Khai - Thu - Tụ - Hành - Xả - Phát.
Ta có lợi ích và khả năng gì khi luyện khí công?
Trước hết, nhờ biết làm chủ khí, con người có thể sử dụng khí công để phục hồi, ổn định, thanh hóa khí trong cơ thể. Đây là con đường thực hành tự chữa bệnh, giải tỏa các triệu chứng rối loạn gây bệnh, do vậy mà tự dưỡng sinh kéo dài được tuổi thọ, nâng cao khả năng sống cho bản thân.
Ngoài ra, nhờ có khí công, ta có khả năng phát khí để chữa bệnh cho người khác, thậm chí qua các bài luyện chuyên biệt, nhà khí công có khả năng tự nội soi ( nhìn vào bên trong cơ thể mình ) và ngoại soi ( nhìn vào trong cơ thể người khác ), các nội tạng có thể hiện rõ trước mắt nhà khí công vì vậy có thể chẩn đoán bệnh và trị bệnh chính xác và hoàn hảo với các công phu tương ứng.
Ngoài ra, khí công còn giúp cho con người khai mở những khả năng kỳ diệu của bản thân.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2008

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KHÍ CÔNG

Sau khi đăng bài "Phụ họa bài của AM", một số bạn muốn tổ chức một câu lạc bộ về chữa bệnh bằng nhân điện. Nếu bạn nào có điều kiện đứng ra tổ chức chúng tôi sẽ hết lòng ủng hộ. Còn tôi, vì điều kiện thời gian chưa cho phép nên không thể đứng ra tổ chức được. Tuy nhiên, để các bạn có một số thông tin ban đầu về các phương pháp tự chữa bệnh theo truyền thống Phương Đông, tôi mạnh dạn ghi lại một số kiến thức tôi đã học được ở thầy Hoàng Vũ Thăng để các bạn tham khảo.

QUAN NIỆM VỀ BỆNH TẬT THEO PHƯƠNG ĐÔNG

1/ Bệnh là gì? Theo y học Phương Đông, bệnh là một vùng rối loạn trong cơ thể. Khi xuất hiện vùng rối loạn trong cơ thể, vùng đó có thể đau hoặc không gây đau. Tuy nhiên, nếu vùng rối loạn đã gây đau thì lúc đó bệnh đã nặng, bởi vì theo quan điểm y học Phương Đông, bệnh nhập vào cơ thể theo đường da, lông vào tôn lạc, rồi đi đến các kinh mạch, tới các tạng phủ, vào cốt tủy và cuối cùng là nhập vào đến tam bảo ( tinh, khí, thần ).
- Khi bệnh còn ở da, lông, tôn, lạc, gọi là biến.
- Khi bệnh vào đến kinh mạch gọi là loạn.
- Khi bệnh vào đến tạng phủ gọi là bệnh.
- Khi vào đến cốt tủy gọi là tật.
- Khi bệnh ở tam bảo thì cái chết chẳng còn xa.
Như vậy, vùng bệnh là vùng đau, vùng rối loạn, vùng suy yếu, vùng kém chức năng, vùng chưa khai mở.

2/ Nguyên tắc chữa bệnh theo khí công là:
- Đối với vùng đau thì thông xả.
- Đối với vùng rối loạn thì hiệu chỉnh, cân bằng.
- Đối với vùng suy yếu thì bồi bổ.
- Đối với vùng kém chức năng thì kích thích.
- Đối với vùng không khai mở thì luyện tập khai mở.

3/ Thế nào là tự chữa bệnh?
Theo quan điểm của môn " Tĩnh khí công Hoàng Vũ Thăng " thì tự chữa bệnh là người bệnh dùng (vận) khí của bản thân mình để điều hòa, cân bằng, làm tiêu hủy các chứng bệnh đã và đang tồn tại trong cơ thể.

4/ Phương pháp chữa bệnh của NQT Hoàng Vũ Thăng ( Nhật Quang Tử HVT): là phương pháp luyện phục hồi, ổn định và nâng cao khí trong cơ thể, thông qua đó phục hồi, ổn định và nâng cao hoạt động của các cơ quan, hệ thống và các quá trình sinh học trong cơ thể với mục đích chữa bệnh dưỡng sinh, nâng cao sức khỏe con người.
Nền tảng của phương pháp này là tĩnh công với sự phối hợp giữa hô hấp, quán khí tạo nên quá trình vận khí; bên cạnh đó có thể kết hợp với động công theo trình tự Tĩnh ý thức - Tĩnh vô thức -Động vô thức - Động ý thức.
Quá trình luyện khí cơ bản là : Luyện tinh sinh khí, luyện khí hóa thần, từ đó luyện vào tính khí, nguồn khí, đường khí và sự biến vi hoạt dụng của khí trong cơ thể để khí trong cơ thể sinh ra đầy đủ, đi đúng đường, hành đúng hướng, biến vi hoạt dụng trọn vẹn các cơ năng và chức năng trong cơ thể. Đó là khí tiên thiên của con người được khởi phát và vận hành đồng bộ với khí hậu thiên (khí hô hấp).
Phương pháp này thông qua hô hấp để cảm nhận khí với sự phát công trợ giúp của các nhà khí công giúp cho người bệnh làm chủ được khí trong cơ thể, thông qua đó mà tự chữa bệnh - dưỡng sinh.
Khí trong cơ thể do bẩm sinh không hoàn thiện, do thời khí biến động, do hoàn cảnh chi phối nên hư yếu rồi loạn mà sinh bệnh. Vì vậy, luyện khí công là thu năng lượng khí tinh hoa bên ngoài vào thành chân khí của bản thân để nâng cao một mức độ đủ để dưỡng sinh và chữa bệnh với quá trình đơn luyện là Nhập - Khai - Thu - Tụ - Hành - Xả. Đó là, thu ngoại khí vào tụ ở đan điền để biến sinh chân khí rồi vận hành trong cơ thể đến các vùng bệnh và xả hư khí trong cơ thể ra ngoài.

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2008

TIN BUỒN

BLL khóa 3 phía Nam xin thông báo: Cụ bà LÊ NĂM KIM, mẹ của Trần Kỳ Nghĩa đã từ trần. Tang lễ sẽ tổ chức viếng từ 08 đến 10 giờ ngày 17 tháng 7 năm 2007, tại Nhà tang lễ Hà Nội, 125 Phùng Hưng. An táng tại Nghĩa trang Văn Điển cùng ngày.
BLL cũng xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến Kỳ Nghĩa và gia đình.